Vai trò của Nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo

Nghiên cứu phát triển cùng với đổi mới sáng tạo (Innovation) luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty tiên tiến, công ty đa quốc gia, với phương châm: “Để trở thành công ty luôn dẫn đầu thị trường không còn cách nào khác là luôn phải đi trước đối thủ một bước về phát triển sản phẩm và công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng với giá cả phải chăng và chi phí tối ưu”. Các nước công nghiệp phát triển rất quan tâm đầu tư cho Nghiên cứu phát triển:

Hàn Quốc và Nhật Bản, so với nhiều quốc gia khác, họ rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhật Bản đã giữ vị trí là nền kinh thế lớn thứ 2 trên thế giới trong nhiều năm liền. Còn Hàn Quốc, tuy họ đi sau hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu và do hậu quả của chiến tranh hai miền Triều Tiên (1950-1953) để lại, song với sự phát triển thần kỳ (còn gọi là “KỲ tích sông Hàn”) đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. Một trong những nguyên nhân làm cho Nhật Bản và hàn Quốc phát triển nhanh là họ có chính sách đúng đắn và đầu tư vào R&D rất lớn. Năm 2010, Nhật bản đầu tư cho R&D là 3,3% GDP, Hàn Quốc là 3,0%, vượt cả Mỹ 2,7%, Đức 2,3%, Singapore 2,2%.

Các nguồn đầu tư cho Nghiên cứu phát triển là từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và tài trợ bên ngoài. Ở các nước phát triển, các tập đoàn tư nhân đầu tư cho R&D lớn hơn nhiều đầu tư của nhà nước, bình quân tỷ lệ đầu tư cho R&D từ ngân sách nhà nước so với khu vực ngoài nhà nước là khoảng 1:4 đến 1:3.

Trung Quốc đã tăng đầu tư cho Nghiên cứu phát triển từ 1,1% GDP năm 2002 lên đến 1,5% GDP năm 2010 (theo số liệu của Bộ KH&CN Trung Quốc). Dự kiến, chi cho R&D của Trung Quốc sẽ đạt 2,5% GDP vào trước năm 2020. Chi cho khu vực nghiên cứu tư nhân của Trung Quốc đã tăng 40% (theo Văn phòng tư vấn chiến lược Bôz&Company và Ủy ban châu Âu-EC).

Khu vực châu Á nói chung đã tăng đầu tư cho R&D từ 27% lên 32% tổng đầu tư R&D toàn cầu (năm 2009). Trong đó phần lớn vẫn là đầu tư từ các doanh nghiệp.

Năm 2010, đầu tư cho R&D trên thế giới ước đạt 1.000 tỷ USD. Qua danh sách 72 nước được thống kê trên thế giới, thì nước có tỷ lệ đầu tư cho R&D/GDP lớn nhất là Israel (4,2% GDP) với 9,4 tỷ USD, Việt Nam thuộc loại thấp nhất (0,19%GDP).

Đầu tư cho Nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo là đầu tư phát triển doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Global Innovation 1.000 (đánh giá toàn diện nhất về mối quan hệ giữa đầu tư R&D và hiệu quả doanh nghiệp) năm 2009, tại hơn 400 công ty trên khắp thế giới, đã liệt kê những công ty mà họ cho là đổi mới nhất. Kết quả: 7 trong số top 10 công ty đổi mới nhất cũng đồng thời nằm trong top 10 công ty chi cho R&D mạnh nhất. Và quan trọng nhất là 10 công ty đổi mới nhất có hiệu quả kinh doanh tốt hơn 10 công ty đầu tư mạnh nhất vào sản xuất kinh doanh nói chung

Leave a comment